Chúng ta thường nghĩ rằng học toán là để có các kiến thức toán học, dùng nó trong đời sống hằng ngày và để học các môn khác, nhất là để học các môn khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Nghĩ như vậy không sai nhưng chưa đủ.
Thời đại ngày nay, trong giáo dục đào tạo, người ta yêu cầu cao về việc rèn luyện trí thông minh, sáng tạo, tính năng động thích nghi với những thay đổi nhanh đến chóng mặt, nên toán học, vốn đã được coi là "thể dục của trí não", là "nữ hoàng của các khoa học", càng phải phát huy hai vai trò đó.
Toán học không chỉ để phục vụ những lĩnh vực cần đến các khái niệm, các công thức, định lí toán học mà còn rèn trí thông minh sáng tạo để phục vụ cho cả các lĩnh vực “phi toán học", tức là những lĩnh vực không dùng đến bất cứ khái niệm, định lí, công thức toán học nào cả. Ngoài ra, Toán học còn giúp chúng ta rèn luyện nhiều kĩ năng, phẩm chất tốt đẹp: kiên nhẫn, không chủ quan, cẩn thận, ...
Các môn học khác cũng có vai trò rèn trí thông minh sáng tạo, nhưng tác dụng không lan toả và sắc cạnh như tác dụng của môn toán vì môn toán đã loại bỏ hết mọi khía cạnh vật chất trong thế giới khách quan, chỉ giữ lại để nghiên cứu các quan hệ số lượng và các quan hệ lôgic (hình thức hoặc biện chứng).
Vì toán học có thể trùm lên các học nghiên cứu về các dạng vận động khác nhau nên toán học rất gần gũi với logic và triết học.
Nói tóm lại, học toán không chỉ nhằm để có kiến thức toán học mà còn để phát triển tư duy sáng tạo và nhân cách. Hai mặt này tác động lẫn nhau:
- Tư duy càng sắc bén, nhân cách càng tốt đẹp thì nắm kiến thức càng sâu sắc.
- Nắm kiến thức càng sâu thì càng mài sắc tư duy và gia cố nhân cách.